Có vẻ như số của tôi đã may mắn hơn trước rất nhiều, ở phần 7 sau khi làm về java tầm hơn một năm thì tôi cũng đã quen lại với nó, thực ra một năm không phải chỉ toàn code, mà còn làm những công việc khác như thiết kế chi tiết, testing. Chắc code thì tầm ba bốn tháng. Việc sửa đi sửa lại yêu cầu dẫn đến phải sửa thiết kế chi tiết, sửa code, test lại đó là một vòng luẩn quẩn của một người lập trình viên, và lúc này tôi đã bắt đầu ghét cái công việc thiết kế và test. Tôi chỉ muốn code mà thôi. Sau dự án này thì tôi đã trưởng thành lên khá nhiều, bao nhiêu khó khăn đều đã trải qua, tôi còn hai dự án nữa là sẽ nghỉ việc ở công ty này, trong bài viết này tôi sẽ nói lý do gì mà dẫn đến tôi phải nghỉ việc.

Như đã nói ở phần 7 thì tôi sẽ chuyển sang team khác để làm dự án, lần này tôi vẫn sẽ làm về java tuy nhiên sẽ không làm về web nữa mà sẽ làm về java desktop application. Nếu ai đã học về java thì sẽ nghe qua đến java swing và javafx. Hai cái này để làm ứng dụng bằng java, như bên c# thì giống với winform và WPF. JavaFx thì nó phát triển sau để thay thế cho swing nên lúc này sẽ dùng để làm. Trước giờ tôi cứ tưởng là sẽ không ai làm ứng dụng desktop bằng java nữa nhưng khi nghe nói làm về nó thì tôi rất ngạc nhiên, một phần có thể vì tụi Nhật họ thích làm bằng java, một phần nữa là java có thể chạy trên mọi hệ điều hành khác nhau, dự án này không có gì đặc sắc lắm, không OT gì cả, đây là dự án đầu tiên mà tôi không OT hay gặp khó khăn gì nên tôi chỉ nói ngắn gọn và xúc tích bấy nhiêu ở trên thôi nhé :)).

Sau khi dự án trên kết thúc thì tôi tiếp tục tham gia một dự án java web tiếp theo, đây là cột mốc quyết định nghỉ việc của tôi, dự án này là một dự án convert, trước kia được viết bằng struts, jsp và javascript. Khách hàng yêu cầu phải convert từ struts lên spring mvc, jsp lên thymeleaf, javascript lên jquery. Tài liệu nghiệp vụ của dự án này thì không có, chỉ có duy nhất một mình anh quản lý là biết nó chạy như thế nào, khi start dự án thì chúng tôi được traning luồng đi của các màn hình, cách tạo data cho màn hình đó, những màn hình liên quan với nhau.

Dự án này cũng khá lớn, team tôi cũng mười mấy người và thời gian thì không cho phép nên tiến độ được đẩy ráo riết, tài liệu convert thì khách hàng đã cũng cấp, chỉ cần nhìn vào đó là sẽ biết chuyển đổi ra sao, code như thế nào, còn những cái nào mà đặc thù thì chúng tôi phải tiến hành research để tìm hiểu mà áp dụng vào chuyển đổi cho phù hợp. Tuy nhiên không biết vì sao, báo giá lỗ hay như thế nào đó mà quản lý bắt cả team OT, lúc này bạn không thể nào không OT được, vì schedule của bạn được lên rất là ghê ghớm, schedule hai tuần thì phải làm xong một tuần. Mọi người trong team đều OT, lúc nào cũng tới 9h tối mới được về, nếu bạn không OT thì sáng mai quản lý hỏi tiến độ thì bạn sẽ không biết trả lời như thế nào, lúc này bạn sẽ được công ty đánh giá về trách nhiệm của mình đối với dự án và không được đánh giá cao khi lên lương hay lên chức. Thực ra nếu công ty trả tiền OT xứng đáng thì sẽ không ai bức xúc như vậy, khi đăng ký thời gian OT thì phải được sếp duyệt, nếu gặp được sếp tốt thì bạn sẽ được approve toàn bộ số giờ để cộng lương. Còn nếu gặp sếp không tốt thì số giờ của bạn sẽ bị cắt xén, một nữa đem đi cộng sang ngày phép, một nửa đem đi cộng lương. Trong khi tất cả mọi người đều muốn cộng lương để có tiền mà mua thuốc :)) trong những ngày OT cực khổ.

Và bao nhiêu tháng như vậy thì tức nước cũng vỡ bờ và tôi nộp đơn nghỉ việc, tôi đi in ra hai tờ đơn cho đứa bạn một tờ và để lên bàn của anh manger. Tới bây giờ tôi nghĩ đó là một quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời của tôi. Ở công ty này tôi quen rất nhiều người, làm việc đều vui vẻ, tôi nghỉ cũng là điều hối tiếc về việc này. Tuy nhiên sau khi tôi nghỉ thì họ lần lượt nghỉ theo. Và tôi đã ra đi và tìm một chân trời khác.

Đến đây cũng đã kết thúc bài viết, như mọi lần tôi cũng sẽ rút ra một số kinh nghiệm cho mọi người nhé.

1. Khi đi làm thì trong một hoặc hai năm đầu cố gắng tích lũy nhiều kinh nghiệm và nâng cao kỹ thuật, để sau này có thể bay nhảy sang những công ty khác, chứ đừng như tôi làm đến tận ba năm.
2. Nếu cảm thấy bị công ty bóc lột, công sức bạn bỏ ra quá nhiều mà cái nhận được không xứng đáng thì bạn hãy mạnh dạn nộp đơn mà nghỉ việc, đi tìm những công ty khác mà luôn quan tâm đến lợi ích của nhân viên.

Cuối cùng các bạn đừng quên share bài viết và theo dõi fanpage để theo dõi những bài viết mới nhất nhé.
Bài viết tiếp theo : [Tâm sự lập trình – Phần 9] : Nhìn lại ba năm được và mất
Cám ơn mọi người đã quan tâm theo dõi.